...

[RECAP] VIAC SYMPOSIUM 2024 – PHIÊN C: Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng Cơ sở hạ tầng & Bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động

17 Tháng 7, 2024

Sáng ngày 27/06 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức phiên nội dung thứ ba trong chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 – Thương mại & Đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp & Trọng tài. Phiên nội dung thứ ba có chủ đề “Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng Cơ sở hạ tầng & Bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động”.  

Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù có những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành xây dựng trong năm 2024 , các yếu tố biến động kinh tế kéo theo sự biến động của giá nguyên vật liệu và nguồn vốn đều có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí của các dự án xây dựng. Những thay đổi này không chỉ đặt ra những thách thức về tài chính và quản lý, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp phát sinh không mong muốn giữa các bên liên quan, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu, và các đối tác khác.

Do vậy VIAC tổ chức Phiên nội dung chủ đề "Những khó khăn và rủi ro trong lĩnh vực Xây dựng Cơ sở hạ tầng & Phát triển Bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động" nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những giải pháp hiệu quả để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và phát triển bền vững. Sự kiện diễn ra với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, các Luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các đơn vị truyền thông, thông qua hình thức trực tiếp tại chỗ và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu khai mạc tại sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng “chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, cùng với đà tăng của nguồn vốn đầu đang được kỳ vọng là “rìu phá băng” đẩy nhanh quá trình phục hồi cho doanh nghiệp xây dựng. Các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho sự phục hồi và bắt đầu một chu kỳ phát triển mới.”

Tuy nhiên, thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập và phát triển, các vấn đề về tranh chấp và rủi ro pháp lý không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra quốc tế. Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đều đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới.

Ông Victor Smith, BSc DipArb DipIArb LLM FCIArb , Trọng tài viên chuyên nghiệp phát biểu tại sự kiện

Mở đầu phần trình bày của diễn giả, ông Victor Smith – BSc DipArb DipIArb LLM FCIArb, trọng tài viên chuyên nghiệp nhận định theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á cần 26.000 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2030. Đặc biệt, ông Victor Smith cũng nhận định rằng Việt Nam có thể nổi lên là thị trường xây dựng lớn thứ hai ở Đông Nam Á, sau quốc gia dẫn đầu là Indonesia; Philippines đứng thứ 3 và Malaysia đứng thứ 4. Sự tăng trưởng thị trường này dự kiến được kích thích bởi đầu tư của chính phủ vào hệ thống giao thông quy mô lớn, năng lượng và các hạng mục công trình công cộng.

Tuy nhiên, khiếu nại và tranh chấp được coi là phổ biến trong các dự án xây dựng ở khu vực này vì đặc trưng của dự án xây dựng bất động sản là tính chất “chỉ có một lần”, không thể làm lại trong khi dự án thường bao gồm nhiều nhà thầu, nhiều nhà thiết kế tham gia dự án với nhiều loại hợp đồng v.v.  Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái như hiện nay, các vướng mắc khó khăn về pháp lý dự án, vốn, mặt bằng, thủ tục, định giá, cơ chế huy động vốn v.v. đã khiến tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa các chủ đầu tư và nhà thầu gia tăng.

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh - Phó Vụ Trưởng, Vụ Pháp Chế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư,
trọng tài viên VIAC trình bày tại sự kiện

Vũ Thị Châu Quỳnh - Phó Vụ Trưởng, Vụ Pháp Chế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Trọng tài viên VIAC, có phần trình bày khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Theo đó, pháp luật Việt Nam liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng được chia thành bốn nhóm chính, bao gồm (1) pháp luật về phân bố không gian, (2) pháp luật về phân bố nguồn lực, (3) pháp luật ngành cụ thể (Ví dụ như điện lực, viễn thông, đường bộ v.v.) và (4) pháp luật liên quan khác (ví dụ như pháp luật về môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ an ninh quốc gia v.v.).

Bên cạnh đó, trong phần trình bày của mình, bà Vũ Thị Châu Quỳnh cũng chỉ ra các yêu cầu đối với khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng. Thứ nhất, pháp luật quốc gia phải có cơ chế phân bố cơ sở hạ tầng hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và yêu cầu phát triển đất nước. Thứ hai, các khuôn khổ pháp luật cũng phải đảm bảo khả năng huy động được nguồn lực cho các dự án đầu tư và lựa chọn được các dự án hiệu quả, bền vững, hiện đại và nhà đầu tư có năng lực. Thứ ba, khuôn khổ pháp luật quốc gia phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư. Cuối cùng, pháp luật phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng và nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Duyên – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS),
trọng tài viên VIAC

Nguyễn Thị Duyên – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS), trọng tài viên VIAC cho rằng doanh nghiệp cần nhận diện những rủi ro hợp đồng đặc trưng trong lĩnh vực này. Đó là hàng loạt các rủi ro như pháp lý của dự án có vấn đề, mặt bằng không được bàn giao đúng kế hoạch, các thông tin có sai sót hoặc không rõ ràng trong hồ sơ mời thầu, công trường phát sinh những vấn đề không lường trước được.

Gợi ý về những giải pháp rủi ro, bà Nguyễn Thị Duyên nhấn mạnh doanh nghiệp cần hạn chế rủi ro qua việc lựa chọn loại hợp đồng phù hợp, trong đó nhà thầu chỉ xây dựng theo thiết kế của chủ đầu tư hay nhà thầu thiết kế và xây dựng (EPC) hoặc chìa khóa trao tay. Đồng thời, hợp đồng cần được đưa vào các rủi ro như đã nói trên để có cơ chế xử lý nếu xảy ra. Đối với các rủi ro có thể thấy trước thì doanh nghiệp cần thỏa thuận về bảo hiểm.

Luật sư Nguyễn Ngọc Minh – Phó Giám đốc Dzungsrt & Associates

Ls. Nguyễn Ngọc Minh – Phó Giám đốc Dzungsrt & Associates, đã có phần trình bày tổng quát về tranh chấp xây dựng và trọng tài trong tranh chấp xây dựng. Ls. Nguyễn Ngọc Minh đã chỉ ra các loại tranh chấp phổ biến và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp trong hợp đồng xây dựng, từ đó đưa ra 6 điểm khuyến nghị cho doanh nghiệp, bao gồm (1) thận trọng trong việc lựa chọn trọng tài viên, (2) hiểu cách tiếp cận giải thích hợp đồng của Hội đồng trọng tài (thường là đa quốc gia), (3) linh hoạt trong việc áp dụng và giải thích hợp đồng khi xảy ra tranh chấp, (4) phân biệt vai trò và cách sử dụng nhân chứng, chuyên gia và luật sư trong tố tụng trọng tài, (5) phân biệt cách hàng xử trong tố tụng trọng tài và tố tụng tại toà án, (6) lường trước rủi ro trong trường hợp tranh chấp trọng tài xây dựng bị chuyển thành tranh chấp đầu tư quốc tế.

Tiếp nối chương trình là phiên thảo luận được điều phối bởi Ls. Đỗ Trọng Hải – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH BIZLINK. Nội dung phiên thảo luận tập trung vào giải đáp thắc mắc của khán giả liên quan đến rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng, cơ chế Ban Phân xử (“Dispute board”) trong mẫu hợp đồng FIDIC, cũng như các vấn đề liên quan đến khó khăn của nhà đầu tư trong việc thực hiện thủ tục, hồ sơ xin cấp phép đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Về rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng, ông Victor Smith chỉ ra hai rủi ro pháp lý nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực xây dựng trong nước và quốc tế. Thứ nhất, các bên tham gia cần phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, bằng chứng để thắng kiện. Có những trường hợp tưởng chừng như đã thắng nhưng lại bị tuyên xử thua vì không có đủ hồ sơ, bằng chứng. Điều này sẽ phải thông qua quá trình xem xét, xử lý hồ sơ, giấy tờ, cả từ phía nhà thầu và từ phía chủ đầu tư phải thật cẩn trọng, kỹ càng, chu đáo.

Rủi ro thứ hai liên quan đến vấn đề thi hành. Bên cạnh việc thắng kiện, phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp cần được thi hành và việc này ở một số nền tài phán thực chất khá khó.

“Tại những quốc gia như Singapore hay Hồng Kong thì quá trình thi hành có diễn ra nhanh chóng, Thái Lan có thể mất thời gian hơn một chút và Việt Nam theo tôi nghĩ thì cũng tương tự vậy” , Ông Victor Smith chia sẻ.

Đối với vấn đề Ban phân xử trong giải quyết tranh chấp xây dựng, bà Nguyễn Thị Duyên cho rằng trên thực tế vẫn tồn tại những nhầm lẫn về khái niệm và chức năng của Ban Phân xử, dẫn đến rủi ro pháp lý trong hợp đồng xây dựng.

“Ban phân xử không phải tổ hòa giải tại vì khi họ đã đưa ra quyết định thì có thể sẽ nghiêng về quyền lợi của một Bên, và trong một thời gian quy định thì một Bên có thể phản đối quyết định của Ban phân xử tranh chấp, thì khi đó mới đưa ra trọng tài hoặc cơ chế khác là tòa án tùy vào điều kiện”, Bà Nguyên Thị Duyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Duyên cũng cho rằng còn nhiều vấn đề để có thể áp dụng mẫu hợp đồng FIDIC trong các dự án sử dụng vốn Nhà nước và vốn ODA. Đối với các nguồn vốn khác thì các bên cần cần phải hiểu đúng về FIDIC và thỏa thuận với nhau để phòng tránh rủi ro phát sinh.

Về khả năng chồng lấn phạm vi áp dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản, bà Vũ Thị Châu Quỳnh cho rằng một số trường hợp phạm vi điều chỉnh của các luật vẫn có sự giao thoa, đặt ra rủi ro về thời gian và công sức khi nhà đầu tư phải thực hiện quá nhiều thủ tục một cách trùng lặp, nếu nhà đầu tư thực hiện thiếu thủ tục thì quá trình triển khai dự án sau này sẽ gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, rủi ro này hoàn toàn có thể khắc phục được và các giải pháp khắc phục thì cần có sự phối hợp, nỗ lực của tất cả các chủ thể có liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp, luật sư và cơ quan Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của khán giả về thiệt hại định mức (“Liquidated damages – LD”), Ls. Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ hiện giờ vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn là LD có được chấp nhận ở Việt Nam không? Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của diễn giả, nếu muốn có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thực tế có thể sử dụng được thì chắc chắn phải sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Bởi vì thường hội đồng trọng tài sẽ có cách tiếp cận mở hơn và tôn trọng cách tiếp cận của các Bên.

“Hội đồng trọng tài sẽ tiếp cận theo hướng đúng trong lĩnh vực xây dựng mà mục đích của điều khoản bồi thường thiệt hại định mức, đó là thỏa thuận đó giúp các Bên chứng minh thiệt hại một cách dễ dàng hơn trong trường hợp thiệt hại rất khó để xác định và giúp các Bên giảm nghĩa vụ chứng minh.”, Ls. Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.

Một số hình ảnh tại sự kiện


Tải về tài liệu VIAC SYMPOSIUM 2024 – Phiên C tại đây

Xem lại video ghi hình VIAC SYMPOSIUM 2024 – Phiên C tại đây

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI